ĐA:MÊ x TRÚC CHỈ

Trong các di tích văn hóa, nghệ thuật của người Việt, hình tượng chim phượng là một trong những linh vật được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các công trình kiến trúc tâm linh. 

Con chim phượng hoàng được tạo hình với dáng nghiêng, dưới dạng hoa văn hình tròn, đầu phượng ngẩng cao, chân phượng ngắn, hai cánh dang rộng và luôn được đặt vào vị trí trung tâm. 

Phượng hoàng được cho là loài cưỡi gió trong khi rồng là loài cưỡi mây. Nó bay rất cao và múa rất đẹp. Âm thanh của phượng hoàng như âm thanh nhạc ngũ cung.

Vì là loài chim đại diện cho đức hạnh, thái bình, và tài sắc mà phượng hoàng đã trở thành biểu trưng của sự quyền quý và cao sang, xuất hiện khắp nơi trong các công trình do người Việt tạo tác và trong đó tác phẩm nghệ thuật Song Phượng trưng bày tại Đa:mê Space được Trúc Chỉ Art chế tác tỉ mẩn và khéo léo.    

Trúc Chỉ là tên gọi của loại Nghệ thuật - giấy, Giấy - nghệ thuật mới của Việt Nam dựa trên cơ sở nghề giấy truyền thống; với hàm ý Tre trúc là biểu tượng của Văn hóa và tinh thần Việt.


Trúc Chỉ là kết quả của công trình khoa học do Họa sĩ Phan Hải Bằng cùng các cộng sự nghiên cứu và phát triển từ năm 2000 đến nay. 


Kỹ thuật đồ họa Trúc Chỉ là công nghệ của nghiên cứu, được khai thác và phát triển bởi CTY TNHH NGHỆ THUẬT TRÚC CHỈ VIỆT NAM. (Nguồn ảnh: Trúc Chỉ Art)

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, hình tượng chim phượng có ý nghĩa văn hóa rất đặc sắc và có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật của nước nhà. 


Qua trí tưởng tượng phong phú, bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, hình tượng chim phượng đã trở thành đề tài quen thuộc và linh thiêng trong kiến trúc, điêu khắc, và trang trí truyền thống của dân tộc.