Đa:mê Project 

 Dèng - 'Những giấc mơ kép'

Những mảng màu văn hoá bản địa luôn là nguồn cảm hứng thuần khiết cho nhiều thế hệ tiếp nối, bởi đó là những giá trị thêu dệt nên dòng chảy đời sống và hồn cốt lịch sử của dân tộc Việt Nam. Qua từng thời kỳ, các giá trị văn hoá vẫn luôn là sợi dây kết nối chặt chẽ quá khứ với hiện tại - nó len lỏi khắp các ngõ ngách và hiện hữu vô hình trong lối sống, tư duy, trang phục, ngôn ngữ… hay các phong tục tập quán của người Việt cho đến tận hôm nay. 

“Dèng - Những giấc mơ kép” là một dự án văn hoá xuất phát từ chính những cảm hứng rất đỗi tự nhiên như thế - đó là khi trái tim người trẻ tìm kiếm được niềm say mê nghiêm túc với chất liệu Dèng và hệ thống hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Như một báu vật trao truyền qua nhiều thế hệ, Dèng là tên gọi của một loại vải thổ cẩm đã có từ xa xưa, được bà con dân tộc Tà Ôi dệt từ sợi bông tự nhiên với các màu sắc thân thuộc như đen, đỏ, xanh… được nhuộm thủ công từ các loại lá cây trong thiên nhiên. Bên cạnh các hoạ tiết dệt vải nổi thông thường, nét độc đáo riêng biệt của thổ cẩm Dèng phải kể đến kỹ thuật chèn cườm trực tiếp vào sản phẩm, để từ đó tạo nên các hình khối hoa văn đặc trưng vô cùng bắt mắt và bền đẹp. 

Thổ cẩm Dèng được đánh giá là một chất liệu quý hiếm với sức sống mãnh liệt mang nhiều sắc thái văn hoá có tính thời đại. Đi qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề dệt Dèng không chỉ tồn tại như một biểu tượng văn hoá nguyên bản thật đẹp mà còn cất giữ nhiều mảnh ký ức vô giá của cộng đồng dân tộc Tà Ôi. Từ đó dự án được thương hiệu Đa:mê nhen nhóm thực hiện với mong muốn nối dài đời sống và mang đến các sắc thái văn hoá mới lạ hơn cho nghề dệt Dèng - một di sản văn hoá mộc mạc nhưng chứa đựng bên trong nhiều giá trị tinh thần giàu bản sắc của một trong 54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S. 

Như một cơ duyên đặc biệt, dự án Dèng đến với Đa:mê trong một lần ghé thăm huyện A Lưới và may mắn có cơ hội gặp gỡ cô Hoa (quản lý hợp tác xã). Không đơn thuần là những cảm xúc thoáng qua như khi lướt đọc mấy con chữ trên sách báo, được lắng nghe các thế hệ đi trước trải lòng về sự mai một dần của các khía cạnh văn hoá xưa đã thực sự dẫn dắt các bạn trẻ trong đội ngũ Đa:mê tìm về một cảm xúc nguyên bản mộc mạc nhất. Từ những mẩu chuyện rất đỗi đời thường mà cô chia sẻ, bức tranh thực tại về nghề dệt Dèng truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi dần hiện lên thật rõ nét và vô cùng chân thực. 

Ngày nay, mặc dù đồng bào dân tộc Tà Ôi đã dần hoà nhập với nhịp sống mới hiện đại hơn, thế nhưng dấu tích của nghề dệt Dèng truyền thống vẫn được bà con dân tộc cố gắng gìn giữ và lưu truyền qua từng thế hệ. Những ngày lễ lớn trong năm hay các dịp đặc biệt, bà con dân tộc vẫn duy trì thói quen sử dụng y phục truyền thống được làm từ chất liệu Dèng như một phần đặc biệt không thể thiếu. Dự án “Dèng - Những giấc mơ kép” đã lấy cảm hứng một phần từ hình ảnh người phụ nữ Tà Ôi với đôi bàn tay khéo léo cùng một tấm lòng mộc mạc đến thân thương, họ là những nghệ nhân không tên nhưng đã đóng góp một phần lớn công sức của mình vào quá trình gìn giữ một di sản văn hoá truyền thống đặc sắc.

Nhờ vào công đoạn chèn cườm tinh xảo, thổ cẩm Dèng còn được ví như thổ cẩm “gấm hoa” bởi hệ thống hoa văn thể hiện trên các tấm vải Dèng vô cùng sống động với 9 biểu tượng cùng 67 hoa văn tượng trưng cho bức tranh văn hoá đa sắc thái - vừa giản dị gần gũi với thiên nhiên đất trời vừa chính là nguồn cảm hứng vô tận cho lớp trẻ được tiếp tục kế thừa và phát huy. 

Để có được một sản phẩm Dèng hoàn chỉnh, các nghệ nhân dệt phải trải rất nhiều công đoạn đòi hỏi kinh nghiệm chế tác và rèn giũa lâu năm - từ thu hoạch bông trên rẫy, se sợi, nhuộm và hồ… 

Sau đó sẽ phân loại từng sợi vải theo kích thước và màu sắc tuỳ vào mục đích sử dụng, chẳng hạn như tấm Dèng dùng để may trang phục thì cần chọn lọc những sợi vải mỏng và mịn hơn còn các tấm Dèng dùng để dệt thảm hoặc chăn sẽ sử dụng loại sợi to và thô hơn. 

Thế nhưng đã có những giai đoạn, nghề dệt Dèng truyền thống gần như rơi vào tình trạng khó khăn trầm trọng khi đầu ra của sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhu cầu của con người thay đổi. Theo như chia sẻ của cô Hoa, trước đây cũng có nhiều bạn trẻ tìm đến A Lưới để giúp đồng bào dân tộc tại địa phương sản xuất ra các sản dòng phẩm mới. Tuy nhiên đối tượng khách hàng mà các dự án trước đây hướng đến chỉ tập trung vào du khách nước ngoài với các dòng sản phẩm theo thiên hướng quà tặng lưu niệm nên rất khó ứng dụng vào sinh hoạt hàng ngày.

Chính vì vậy khi đại dịch Covid bùng nổ, nhiều cửa hàng lưu niệm đã phải ngưng hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa vĩnh viễn khi không có du lịch quốc tế đến với Việt Nam trong 2 năm vừa qua. Điều này đã làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch tại A Lưới khiến gần 250 nghệ nhân dệt Dèng phải tạm gác lại nghề dệt để kiếm công việc khác trang trải cuộc sống.

 Nắm bắt được những hạn chế của các dự án đi trước, dự án “Dèng - Những giấc mơ kép” chính thức được khởi động với mong muốn mang đến những dòng sản phẩm mới lạ nhưng quen thuộc, được sáng tạo hoặc kết hợp khéo léo với chất liệu Dèng để giới trẻ có thể biết đến nhiều hơn về A Lưới, góp phần kích cầu du lịch và củng cố đầu ra cho thổ cẩm Dèng. 


Dự án "Dèng - Những giấc mơ kép" sẽ là một hành trình văn hoá của các bạn trẻ cùng nhau vẽ nên giấc mơ khơi lại nguồn sống mới cho nghề dệt Dèng truyền thống bằng những rung cảm đời thường gần gũi nhất. Không xuất phát là một dự án văn hoá phi lợi nhuận, dự án mong muốn mang lại cho cộng đồng đồng bào dân tộc Tà Ôi nhiều hơn thế - đó là những giấc mơ kép mang cả giá trị vật chất lẫn tinh thần. Nếu như trước đây, thế hệ chúng ta khó có cơ hội tiếp cận với các chất liệu truyền thống đã cũ bởi ngành công nghiệp thời trang/tiêu dùng ngày nay có hàng triệu phiên bản mới hơn để chúng ta lựa chọn - thì dự án "Dèng - Những giấc mơ kép" sẽ thực hiện điều đó. Tương ứng với mỗi giai đoạn của dự án là một phần trong chiến dịch hình thành nhu cầu thưởng thức và ứng dụng mới cho thế hệ tương lai. Bởi đội ngũ Đa:mê tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra nhu cầu mới khi thực sự mang đến những sản phẩm có giá trị - được kết hợp khéo léo giữa các mảng màu hiện đại và chất liệu truyền thống. Để khi các sản phẩm Dèng có được đầu ra ổn định, cũng chính là lúc giấc mơ giúp bà con dân tộc Tà Ôi có có thêm thu nhập thành hiện thực. Đó là tất cả mong muốn của đội ngũ Đa:mê nói riêng và những người trẻ yêu văn hoá nói chung được gửi gắm vào dự án - chung tay đóng góp một phần nhiệt huyết vào chặng đường tiếp nối di sản văn hoá Dèng và bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho bà con đồng bào dân tộc Tà Ôi. 

COMING SOON